Posts

Nghệ thuật Hát Văn và nghi lễ Hát Chầu Văn của người Việt Nam

I. Hát văn (chầu Văn) là gì ?

Hát văn, còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Hát văn là lễ nhạc hát chầu Thánh nên có vai trò quan trọng trong lễ hầu đồng. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Những điều cần biết về nghệ thuật hát văn - Redsvn.net

Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Lời ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Hát văn làm cho buổi lễ sống động. Những người hát văn vừa chơi nhạc cụ vừa thay nhau hát trong một vấn hầu thường kéo dài từ 4-8 tiếng.

Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sự phát triển của hát văn tại Việt Nam Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan. Đến đầu những năm 1990, hát văn lại có cơ hội phát triển. Các trung tâm của hát văn là Hà Nam, Nam Định và một số vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ.

II. Các hình thức hát chầu văn

Khác với hát ca trù, quan họ cổ hay hát xẩm – hát chầu văn hầu thánh là sự kết hợp cả dân ca và dân vũ. Hình thức hát văn cũng rất phong phú, gồm hát thờ, hát thi, hát hầu (phục vụ hầu đồng, lên đồng) và hát nơi cửa đền :

* Hát thờ : được hát vào các ngày lễ tiết, những ngày tiệc thánh (ngày thánh đản sinh, ngày thánh hóa…) và hát trước khi vào các giá văn lên đồng.

* Hát hầu : trong hát hầu theo tín ngưỡng tứ phủ thì ba giá tam tòa Thánh Mẫu là bắt buộc và hầu tráng bóng chứ không tung khăn. Các giá tung khăn bắt đầu từ hàng Quan Lớn trở xuống. Trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, người ta có thể kết hợp hầu tứ phủ hoặc hầu riêng, nếu hầu kết hợp với tứ phủ thì thường thỉnh tam tòa Thánh Mẫu đầu tiên, còn nếu hầu riêng thì thỉnh đức Thánh Vương Trần Triều đầu tiên (các trường hợp cá biệt hầu Vương Phụ An Sinh Vương… thì sẽ hầu trước Đức Thánh Vương Trần Triều).

* Hát văn nơi cửa đền : Thường gặp tại các đền phủ trong những ngày đầu xuân, ngày lễ hội. Các cung văn hát chầu văn phục vụ khách hành hương đi lễ. Thường thì cung văn sẽ hát văn về vị thánh thờ tại đền, và hát theo yêu cầu của khách hành hương. Nhiều khi lời ca tiếng hát được coi như một bài văn khấn nguyện cầu các mong ước của khách hành hương. Một đoạn văn thường hát thí dụ như:

Con đi cầu lộc cầu tài

Cầu con cầu của gái trai đẹp lòng

Gia trung nước thuận một dòng

Thuyền xuôi một bến vợ chồng ấm êm

Độ cho cầu được ước nên

Đắc tài sai lộc ấm êm cửa nhà

Lộc gần cho chí lộc xa

Lộc tài lộc thọ lộc đà yên vui

* Hát thi : Thường được tổ chức vào dịp tiệc thánh các bản đền hay những dịp có việc làng nhưng không theo định kỳ thống nhất . Có thể nói hát thi là hình thức biểu diễn mang giá trị nghệ thuật âm nhạc cao nhất trong hát Văn. Mỗi cuộc thi hát thường qui tụ rất nhiều bậc tài danh, nhà nghề trong giới hát văn, trước là để thể hiện tài năng sau là để phục vụ cho nghề nghiệp của họ bởi "chứng chỉ và thương hiệu" có được trong cuộc thi.

III. Các làn điệu tiết tấu và kỹ thuật thanh nhạc của hát chầu văn

Nhịp điệu là một trong những yếu tố tạo nên tính chất đặc trưng của hát chầu văn. Phổ biến nhất là nhịp 2/4, ngoài ra còn có nhịp 3/7 nhưng ít khi sử dụng, nếu dùng thì ở trong bản văn thỉnh Hội đồng.

1. Về làn điệu : Hát chầu văn sử dụng nhiều làn điệu (hay còn gọi là lối hát, cách hát). Người xưa còn gọi làn điệu là cách 格. Thí dụ như điệu Bỉ thì gọi là Bỉ cách, điệu Dọc thì gọi là Dọc cách…

Các làn điệu hát văn cơ bản gồm: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú rầu (phú dầu), Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn Xá, Kiều Dương, Hãm, Dồn, điệu Kiều thỉnh, Hát Sai (Hành Sai), ngâm thơ. Ngoài ra còn sử dụng nhiều làn điệu khác như hát nói trong ca trù, hát then, hò Huế, cải lương,…

* Bỉ mang sắc thái trịnh trọng, được dùng để mở đầu cho hình thức hát văn thờ. Thông thường điệu Bỉ được hát trên thể thơ thất ngôn tứ cú (bốn câu mỗi câu bảy chữ) hoặc thất ngôn bát cú (tám câu mỗi câu bảy chữ) nhưng cũng có khi điệu này có thể hát trên các thể thơ khác như song thất lục bát, lục bát, song thất nhất bát. Trong các bản sự tích chư thánh được hát thờ thì đoạn bỉ thường là đoạn giới thiệu tóm tắt nội dung chính của cả bản văn. Các đoạn bỉ cũng thường sử dụng nhiều câu đối nhau (biền ngẫu). Một điều đặc biệt nữa đó là điệu bỉ chỉ có trong hát văn thờ mà tuyệt nhiên không có trong hát văn hầu đồng. Bỉ được lấy theo dây lệch, nhịp theo lối dồn phách.

* Miễu là lối hát rất nghiêm trang, đĩnh đạc, chỉ được dùng trong hát thi và hát thờ, tuyệt nhiên không bao giờ được dùng trong Hầu Bóng. Miễu được lấy theo dây lệch, nhịp đôi.

* Thổng chỉ dành riêng cho văn thờ và văn thi, được lấy theo dây bằng, nhịp ba.

* Phú Bình dành riêng cho hát văn thờ, rất đĩnh đạc, và dùng để hát ca ngợi các nam thần. Phú Bình được lấy theo dây lệch, nhịp 3.

* Phú Chênh là lối hát buồn, thường dùng để hát trong những cảnh chia ly. Được lấy theo dây bằng, nhịp 3.

* Phú nói thường dùng để mô tả cảnh hai người gặp gỡ, nói chuyện với nhau. Dùng trong hát văn thờ, văn thi và cả trong hầu bóng. Lấy theo dây bằng, nhịp ba hoặc không có nhịp mà chỉ dồn phách.

* Phú rầu là lối hát rất buồn, được lấy theo dây bằng nhưng hát theo nhịp đôi.

Đưa thơ được lấy theo dây bằng, nhịp 3 và dồn phách, nhưng chủ yếu là dồn phách.

* Vãn lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất lục bát, hát theo lối vay trả (vay của câu trước thì trả lại trong câu sau).

* Dọc lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất – lục bát và hát theo nguyên tắc vay trả. Nếu hát từng câu thì gọi là nhất cú. Nếu hát liền hai câu song thất – lục bát thì gọi là "Dọc gối hạc" hay "Dọc nhị cú".

* Cờn dùng để ca ngợi sắc đẹp các vị nữ thần. Cờn được lấy theo dây lệch, nhịp đôi. Có thể hát theo dây bằng, nhưng hầu hết là hát kiểu dây lệch (biến hóa).

* Hãm lấy theo dây bằng, nhịp đôi, đây là lối hát rất khó vì phải hát liền song thất lục bát. Trong lối hát này có một tuyệt chiêu là Hạ Tứ Tự, có nghĩa là mượn bốn chữ của trổ sau, khi sang một trổ mới thì lại trả lại bốn chữ ấy.

* Dồn được lấy theo dây bằng, nhịp 3.

 là một trong những điệu hát quan trọng nhất khi hát văn hầu bóng (cùng với Cờn, Dọc, Phú nói). Điệu Xá đặc trưng cho các giá nữ thần miền thượng.

Ngoài việc sử dụng những làn điệu chính gốc như giọng Phú, Sắp, Thượng, Đài, Quảng, Cờn còn kết hợp những thể biến cách, kế thừa những làn điệu dân ca miền Bắc như Long lành, Trống quân, Ta lý, hát Thượng

Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình là Cờn, Dọc, Xá, Hát Chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số, xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không. Tuỳ theo khu vực mà tên gọi các điệu văn cũng có khác nhau.

2. Về tiết tấu : Hát văn thường sử dụng nhịp ngoại (đảo phách). Loại nhịp này mang đến một cảm giác không ổn định trong tâm trí người nghe, đưa người nghe vào trạng thái mông lung, huyền ảo.

3. Về kỹ thuật thanh nhạc : Nhìn chung có hai phong cách hát điển hình trong nghệ thuật hát văn. Đó là phong cách Hát văn Nam Định – lối hát không sử dụng nhiều hệ thống kỹ thuật nẩy hạt trong thanh nhạc cổ truyền, thiên về chất giọng thô mộc, giản dị, mang đậm đặc điểm của lối hát dân dã, khá phổ biến trên các miền thôn quê. Phong cách Hát văn Hà Nội, Hải Phòng sử dụng nhiều kỹ thuật nảy hạt, đề cao sự hoa mỹ, bay bướm và tinh tế trong việc điều tiết âm lượng, câu chữ. Cách ém hơi ở đây rất giống với Chèo hay Ca trù.

IV. Phần lời của bài chầu văn

Chầu văn sử dụng nhiều thể thơ khác nhau như thơ thất ngôn, song thất lục bát, lục bát, nhất bát song thất (có thể gọi là song thất nhất bát gồm có một câu tám và hai câu bảy chữ), hát nói…

Về cơ bản, lời của các bản văn thường có nội dung ca ngợi công đức, kể sự tích các thánh, khen vẻ đẹp ngoại hình và thú phong lưu của các vị ấy và xin được ban ơn phù hộ, đồng thời ca ngợi đất nước, quê hương, đời sống mới .

Bài văn " Văn Cô Bé Hòa Bình " dưới đây sẽ cho chúng ta thấy lời văn của một trong những bài hát chầu văn hầu đồng được kể là hay nhất .

Văn Cô Bé Hòa Bình

(Bản này được sử dụng hát trong giá hầu Chầu Thác Bờ )

Ai lên cảnh đẹp Hoà Bình

Thác Bờ phong cảnh hữu tình biết bao

Dải sông Đà rì rào sóng vỗ

Cảnh núi rừng cây phủ màu xanh

Anh linh cô bé Hoà Bình

Thác Bờ cô ngự một mình trông coi

Sử Lê triều sáng soi nữ kiệt

Giặc bạo tàn phải khiếp uy linh

Chiếc thoi vượt thác một mình

Mênh mông sóng vỗ ấm tình nước non

Trăng khuyết thì trăng lại tròn

Người Mường sống với nước non muôn đời

Cô cứu người bằng thoi Tam Bảo

Dắt dân bằng đuốc sáng thần tiên

Cô đi dáng điệu dịu hiền

Cong cong nét liễu cài trên sóng tuyền

Vẻ thanh tú hiện trên nền ngọc

Nét thu ba mái tóc vờn mây

Đoan trang vẻ mặt hây hây

Khăn xanh áo trắng vẻ đầy thần tiên

Mênh mông sóng nước hò khoan

Chơi vơi tượng đá hiện lên giữa dòng

Đêm thanh vắng thuyền rồng cô ngự

Lá cờ thần thêu chữ vàng tươi

Mênh mang một dải khoan bơi

Chở quân chính nghĩa thoát nơi hiểm nghèo

Nước Đại Việt Lê Triều khai mở

Phong cô là liệt nữ anh hùng

Có công được tặng chữ chung

Có cô bé Thác được phong thể vàng

Từng vượt núi băng ngàn mở lối

Giúp dân lành sớm tối nên công

Bao năm đục núi khơi dòng

Đem dòng nước ngọt mát từng đồi nương

V. Nhạc cụ hát chầu văn

Về mặt nhạc khí, giống như đàn Nhị là giữ vai trò chủ đạo trong hát Xẩm thì trong hát Văn đàn Chanh(đàn Kìm) là nhạc cụ chính không thể thiếu. Một dàn nhạc cơ bản cho hát Văn gồm đàn Nguyệt ( đàn kìm) , trống Ban ( trống con), Phách, Cảnh, Thanh La. Ngoài ra còn có thể sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống Cái, Sáo, đàn Thập Lục, Nhị, Kèn Tàu, Chuông, Mõ, đàn bầu.

VI. Nghi lễ chầu văn trong đạo Mẫu (hát Hầu)

Nghi lễ chầu văn trong đạo Mẫu, hay còn gọi là hầu đồng, hiểu một cách đơn giản là hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời ca trau chuốt, cùng các nghi lễ nghiêm trang và hình thức múa để con người có thể giao tiếp với thần linh.

Khác với hát ca trù, quan họ cổ hay hát xẩm – hát chầu văn hầu thánh là sự kết hợp cả dân ca và dân vũ. Hình thức hát văn cũng rất phong phú, gồm hát thờ, hát thi, hát hầu (phục vụ hầu đồng, lên đồng) và hát nơi cửa đền.

Nhìn về góc độ văn hóa, "hầu bóng" là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam, trong đó có âm nhạc, văn học, vũ đạo, kịch câm, mỹ thuật… về cơ bản, các bài hát văn đều có nội dung ca ngợi đất nước, quê hương, đời sống mới, với những chất liệu âm nhạc đặc sắc, tươi vui, sống động được chắt lọc từ âm nhạc cổ truyền.

Một điều đặc biệt, các thanh đồng và cung văn không cần phải tập luyện để khớp với nhau mà hoàn toàn diễn theo ngẫu hứng. Có những giá hầu "bốc đồng" làm cho khán giả dự hầu cùng vỗ tay nhún nhảy vui nhộn như mình đang trong vai diễn. Chỉ một vuông chiếu làm sân khấu với những đạo cụ đơn giản như, đao, kiếm gỗ, mồi nến, quạt giấy, dải lụa, hương, nến… vậy mà hàng chục các bóng Quan lớn, Chầu bà, ông Hoàng, bà Chúa, Thánh Cậu, Tiên Cô được các thanh đồng thể hiện làm cho người dự lễ xem hầu bị mê mẩn hút hồn.

Một vấn hầu Thánh có thể xem là chương trình biểu diễn nghệ thuật tâm linh, trong đó diễn viên là thanh đồng, các nhạc công là cung văn. Những người tham dự "hầu" được thưởng thức một buổi văn nghệ, thỏa mãn nhu cầu tâm linh.

Nghệ thuật chầu văn đang được quan tâm bảo tồn và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Hiện tại, Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Phủ Dầy Nam Định đã được đưa vào danh sách 33 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

The post Nghệ thuật Hát Văn và nghi lễ Hát Chầu Văn của người Việt Nam first appeared on www.NhacLoi.com.

Post a Comment

Developed by Jago Desain